Kiên Giang với những ngày tháng khó khăn bủa vây do đại dịch Covid-19. Vượt qua nhiều trạm chốt kiểm soát, tôi đến ấp An Bình, xã Bình An, huyện Châu Thành tìm hiểu về nhà máy Bột cá Phúc Ngọc 1 do hội viên Hội Nữ doanh nhân Châu Cẩm Lệ làm chủ;
Được sự đồng ý của lãnh đạo nhà máy, trực tiếp gặp những người công nhân phân xưởng nhập nguyên liệu cá tạp; quan sát phân xưởng xử lý sạch tạp chất; phân xưởng sản xuất thành phẩm; các kho chứa nguyên liệu, hệ thống ống dẫn nước sạch, hệ thống thoát chất thải lỏng…có lẽ, đây cũng là khuôn mẫu thiết kế các nhà máy sản xuất bột cá hiện nay.
Quản đốc phân xưởng Châu Văn Lắm, sinh năm 1971, quê ở Bình An, huyện Châu Thành cho biết: Vào thời điểm dịch bệnh này, nhà máy hiện đang hoạt động phân ca với gần 60 công nhân. Chúng tôi phần lớn làm việc ở đây trên 10 năm rồi, nhà máy này có người lãnh đạo luôn lắng nghe tiếng nói của công nhân, các nguyện vọng đều được giải quyết, những khó khăn trong cuộc sống dần được tháo gỡ; cụ thể công nhân trong các phân xưởng được trang bị một năm 2 đợt 4 bộ đồ bảo hộ cùng giày ủng, giám đốc giúp đỡ sắp xếp và cất nhà ở cho nhiều cặp gia đình, nhà bếp tập thể tổ chức 2 bữa ăn chính và hỗ trợ thêm bữa phụ cho ca trực hoặc làm thêm giờ. Hàng năm, phân xưởng đề nghị tăng lương cho công nhân sản xuất tốt, công nhân được nhận thưởng khi tăng doanh thu, các khoản đóng bảo hiểm y tế, hỗ trợ khó khăn trong mùa dịch bệnh, tiêm vác xin phòng bệnh Covid-19 được lãnh đạo nhà máy quan tâm.
Trở lại văn phòng, gặp Trần Thị Mừng kế toán nhà máy, sinh năm 1987, quê xã Hòa Lợi, huyện Giồng Riềng. Mừng cho biết năm 2009 tốt nghiệp Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật, đến nhà máy Bột cá xin việc làm tới nay đã trên 12 năm. Được chứng kiến những ngày đầu nhà máy gặp thiệt nhiều khó khăn, lúc đó cô giám đốc suốt ngày trực tiếp làm việc cùng công nhân dưới bến, lo lắng sản xuất ở các phân xưởng chưa ổn định có khi quên cả bữa ăn. Nhưng dù hoàn cảnh nào, cô Út Lệ cũng luôn quan tâm tới mọi người, giúp đỡ cho nhân viên, công nhân lúc lập gia đình; cô mua đất cất nhà cho các cặp gia đình và khu tập thể; nhắc nhở nhà bếp đảm bảo các bữa ăn, thỉnh thoảng trực tiếp nấu thêm các bữa bồi dưỡng cho công nhân. Năm nào cũng vây, cô không quên nhắc nhở văn phòng quan tâm thăm hỏi công nhân và đoàn viên công đoàn khi bị ốm đau, hiếu hỉ; chuẩn bị đầy đủ quà nhân dịp tết cổ truyền, tết trung thu, quần áo, tập vở cho con công nhân đầu năm học mới.
Bảo vệ Danh Chơn, sinh năm 1956, quê Minh Lương Châu Thành: “trên chục năm theo cô Út làm việc, cô Út thương người dân tộc mình lắm, mình luôn nhận được sự giúp đỡ khi khó khăn như cô cho vay tiền không tính lãi để mua đất, cất nhà, cô còn hỗ trợ phần tôn lợp mái. Bao năm làm ở đây, chưa hề bị phê bình nhắc nhở, có lẽ do nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ, ở đây chế độ ăn nghỉ đầy đủ, lễ tết có quà, năm nào cũng có thưởng, có lương tháng 13, mọi việc ở đây đều tốt cả”!
Trải qua thời gian khó khăn trong vùng tâm dịch Covid-19, nhà máy Bột cá luôn thực hiện nghiêm chỉ thị phong tỏa và giãn cách nhưng vẫn đảm bảo kế hoạch sản xuất kinh doanh được duy trì. Ghi nhận những tình cảm của công nhân, nhân viên nhà máy, càng hiểu ý nghĩa câu nói của một nhân viên: “đi làm xa quê, đôi khi cũng có nhiều lựa chọn, có lúc muốn thay đổi, rồi đã chọn gắn bó nơi này…vì đong đầy bao la”.
Chia tay Nhà máy Bột cá Phúc Ngọc 1, tạm biệt nhóm công nhân vừa vào ca, tạm biệt tổ công đoàn bốc xếp vui vẻ ra về khu tập thể sau khi hoàn thành công việc…Hy vọng tấm lòng nhân ái của người nữ giám đốc luôn được chăm bồi, thành tích sản xuất kinh doanh luôn phát triển như những ống khói nhà máy mãi vươn cao bên dòng sông Cái Lớn./.
Kim Chiên
Tháng 9/2021
Xem các bài viết khác