Quyết định số 1730/QĐ-BVHTTDL của Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch ký ngày 27 tháng 05 năm 2021về việc công bố nghề làm nước mắm ở Phú Quốc được đưa vào danh mục di sản phi vật thể quốc gia – “Nghề thủ công truyền thống, Tri thức dân gian” mang lại niềm vui lớn đến với bà con làm nghề nước mắm truyền thống của phường Dương Đông và phường An Thới. Tin vui này không chỉ của người dân thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang mà rộn ràng cả một vùng quê Miền Tây cùng vui đón nhận di sản.
Nhiều tác giả viết về nước mắm là “ một gia vị kỳ diệu”, “nước mắm không thể thiếu trong bữa ăn của gia đình Việt”, là “quốc hồn quốc túy” và “là chất riêng của ẩm thực Việt Nam”… đặc điểm riêng biệt của nước mắm Phú Quốc đó là vị mặn vừa phải, là vị ngọt chất đạm từ cá cơm tươi, là màu sắc ánh nâu vàng tự nhiên, là mùi thơm nhẹ khó quên. Đặc biệt hơn, quy trình sản xuất nước mắm Phú Quốc được sử dụng nguyên liệu cá cơm Sọc Tiêu và cá cơm Than tươi giàu chất đạm củavùng biển Kiên Giang, Cà Mau thuộc Vịnh Thái Lan, với cách làm truyền thống ủ cá cơm trong thùng gỗ, đặc biệt thùng gỗ phải được người dân địa phương làm từ loại cây vên vên hoặc cây bời lời, vòng niềng bằng dây mây xanh hoặc đan bằng sợi dây tre của núi rừng Phú Quốc, với tỷ lệ muối sạch của Phan Thiết và nguồn nước sạch sử dụng từ nước giếng khoan sâu trên 100m có độ pH tự nhiên… thì tổng thể các yếu tố trên mới đảm bảo đủ tiêu chuẩn để sản xuất nước mắm Phú Quốc giàu chất dinh dưỡng mang đặc trưng riêng của vùng biển đảo này.
Theo các tài liệu viết về lịch sử nghề làm nước ở Việt Nam có thâm niên khoảng hơn 300 năm, theo đó, nghề nước mắm Phú Quốc cũng được gần 200 tuổi. Với tinh thần giữ gìn nghề truyền thống của gia đình, các nhà thùng phát triển thành doanh nghiệp kinh doanh, tháng 10/2000 Hội nước mắm Phú Quốc được thành lập, tháng 6/2001 nước mắm Phú Quốc là sản phẩm đầu tiên được đăng bạ tại Việt Nam, nước mắm Phú Quốc luôn cùng phát triển với các câu lạc bộ nước mắm Truyền thống, tháng 9/2020, Hiệp Hội Nước mắm Truyền Thống Việt Nam thành lập, theo đó công nhận nước mắm Khải Hoàn Phú Quốc đứng đầu trong top 10 của thương hiệu nước mắm truyền thống tại Việt Nam.
Được biết trên thị trường tràn ngập nhiều thương hiệu nước mắm, đề tìm đến sản phẩm nước mắm chính hiệu thì “người tiêu dùng thông thái, sẽ lựa chọn sản phẩm thông minh”. Trao đổi vấn đề này với Chị Hồ Kim Liên, Chủ Tịch Hiệp Hội Nước Mắm truyền thống Việt Nam, Chủ tịch Hội Nữ Doanh Nhân tỉnh Kiên Giang, Chủ Tịch Hội Nước Mắm Thành phố Phú Quốc cho biết: Sau khi được công nhận là Di sản phi vật thể quốc gia, để giữ vững danh hiệu thì tập thể 53 Hội viên với hơn 100 nhà thùng của Hội nước mắm Thành phố Phú Quốc tiếp tục sản xuất gắn với kinh doanh, bảo tồn và phát triển doanh nghiệp. Với bề dày kinh nghiệm, thành quả thương hiệu và các danh hiệu được trao tặng, với sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, hướng tới tập trung xây dựng làng nghề truyền thống kết hợp ngành du lịch thu hút khách tham quan, nước mắm Phú Quốc sẽ tiếp tục phát triển đáp ứng với nhu cầu sử dụng trong nước và nâng cao kim ngạch xuất khẩu. Chị Hồ Kim Liên luôn tâm huyết sẽ cùng địa phương tập trung bảo tồn gìn giữ di sản, đưa thương hiệu nước mắm Phú Quốc phát triển bền vững trong khu vực và hội nhập thế giới”.
Được công nhận trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là cả một quá trình dài gắn với giá trị bề dày lịch sử truyền thống, văn hóa, gắn với sự phát triển kinh tế xã hội của một địa phương. Để hương thơm “Giọt Ngọc” đại diện cho Đảo Ngọc mãi vươn xa, cùng với thế mạnh phát triển toàn diện của Thành phố Phú Quốc, nước mắm Phú Quốc phấn đấu được UNESCO công nhận trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể Thế giới sẽ là mục tiêu ở phía trước./.
Bùi Kim Chiên
Tháng 6/2021
Xem các bài viết khác